Dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS cao tuổi có gì khác biệt?
SKĐS – Dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn hỗ trợ quá trình điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi nhiễm HIV/AIDS.
Người nhiễm HIV/AIDS cao tuổi đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt khi hệ miễn dịch đã suy yếu theo thời gian.
1. Thách thức về dinh dưỡng đối với người cao tuổi nhiễm HIV/AIDS
Số lượng người cao tuổi sống chung với HIV/AIDS ngày càng gia tăng, phần lớn nhờ vào tiến bộ y học trong điều trị, giúp người bệnh kéo dài tuổi thọ và duy trì chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, những người cao tuổi sống chung với HIV/AIDS phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến sức khỏe, trong đó dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng.
Hệ miễn dịch của người nhiễm HIV/AIDS thường bị suy giảm, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và dễ mắc các bệnh cơ hội. Ở người cao tuổi, quá trình lão hóa càng làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn, khiến việc bổ sung dinh dưỡng càng trở nên quan trọng.
Người cao tuổi HIV/AIDS gặp nhiều thách thức về sức khỏe.
Ngoài ra, quá trình chuyển hóa của cơ thể cũng thay đổi khi người bệnh bước vào giai đoạn cao tuổi. Các thuốc điều trị kháng virus (ARV) có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng.
Vì vậy, người cao tuổi nhiễm HIV/AIDS thường đối mặt với nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, mất cơ và suy nhược cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.
2. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người cao tuổi nhiễm HIV/AIDS
Để hỗ trợ sức khỏe cho người cao tuổi sống chung với HIV/AIDS, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc dinh dưỡng như duy trì một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, giàu chất xơ, bao gồm rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và duy trì năng lượng lâu dài.
Bổ sung đầy đủ năng lượng do người nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu năng lượng cao hơn người bình thường, vì quá trình tiêu hao năng lượng tăng lên để chống lại nhiễm trùng và duy trì sức khỏe.
Chế độ ăn cần cung cấp đủ calo từ các nguồn thực phẩm lành mạnh như ngũ cốc, thịt nạc, và dầu thực vật. Chất đạm là thành phần thiết yếu giúp bảo vệ và tái tạo cơ bắp, đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi để giảm nguy cơ mất cơ. Nên bổ sung chất đạm từ các thực phẩm có đạm chất lượng cao như thịt, cá, trứng, đậu phụ và các loại hạt.
Cơ thể người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc hấp thụ các vitamin và khoáng chất. Do đó, cần chú ý bổ sung vitamin D, B12, C, kẽm, sắt và canxi từ các thực phẩm như trái cây, rau xanh và các sản phẩm từ sữa.
Các loại trái cây như cam, bưởi, dâu tây, cùng các loại rau xanh đậm như cải bó xôi, súp lơ còn chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch.
Người cao tuổi sống chung với HIV/AIDS cần lưu ý một số thực phẩm như bưởi chùm hoặc các thực phẩm chứa chất béo cao có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc ARV. Do đó, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Người cao tuổi cũng dễ bị các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, hoặc táo bón. Việc bổ sung chất xơ từ rau xanh, uống đủ nước và duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện vấn đề này.
Để đảm bảo người cao tuổi hấp thụ đủ dinh dưỡng, cần xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, chia nhỏ bữa ăn trong ngày và lựa chọn món ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…
Người bệnh nên lựa chọn các món ăn mềm, dễ tiêu hóa.
Dinh dưỡng là yếu tố không thể thiếu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi sống chung với HIV/AIDS. Một chế độ ăn hợp lý không chỉ giúp duy trì sức khỏe mà còn góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có thể sống tích cực và lạc quan hơn.
Gia đình và cộng đồng cũng cần quan tâm, hỗ trợ để đảm bảo rằng người cao tuổi có thể tiếp cận với những thực phẩm lành mạnh, từ đó giúp họ vượt qua những khó khăn trong hành trình chung sống với HIV/AIDS.
https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-cho-nguoi-nhiem-hiv-aids-cao-tuoi-co-gi-khac-biet-169241016150559975.htm