Sai lầm lớn khi ăn đồ ngọt để… giảm căng thẳng
PNO – Khi căng thẳng, mệt mỏi trong học hành, công việc hay các mối quan hệ, nhiều người chọn cách giải tỏa, vỗ về bản thân bằng bánh ngọt, trà sữa, hay sô cô la mà không biết thói quen này là nguyên nhân gây thừa cân, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường…
Liệu pháp xả stress?
Làm công việc thiết kế, thường xuyên bị áp lực “chạy deadline”, T.T.N. – 24 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước – hay căng thẳng, bức bối, đầu óc mụ mị. Tối muộn, nhớ ra mình chưa ăn cơm, cô đặt trà sữa về uống. Uống xong, cô thấy như được “sạc đầy pin”, hết cảm giác chán chường và lại tập trung làm việc. “Từ lúc đó, tôi thường uống trà sữa thay cơm. Sau đó, tôi bị nghiện trà sữa mà không hay. Tôi có thể uống trà sữa kèm các loại thạch để thay thức ăn và không thấy mệt mỏi như trước” – cô nhớ lại.
![]() |
Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thăm khám, điều trị cho nhiều trẻ nghiện trà sữa, bánh ngọt bị thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa – ẢNH: P.A. |
Dần dà, N. bị tăng cân không kiểm soát. Gần đây, cô bị té ngã, đến bệnh viện khám mới biết bị đái tháo đường type 1, thừa cân, béo phì. Bác sĩ khuyên cô hạn chế trà sữa, bánh ngọt bởi nguy cơ bệnh nặng hơn. N. cho biết: “Tăng cân quá nhanh làm tôi mất tự tin khi đi ra ngoài. Nhưng hiện tại, tôi chưa bỏ được thói quen uống trà sữa, bởi mỗi khi nghĩ đến việc từ bỏ thì cảm giác thèm ngọt lại tăng lên”.
Trong ba lô của P.T.H. – 21 tuổi, ở huyện Hóc Môn – luôn có vài viên kẹo và 1 túi sô cô la để phòng khi bị hạ đường huyết. Từ sau khi chia tay bạn trai, H. nghiện đồ ngọt lúc nào không hay. Cô kể, một lần lướt Facebook, thấy hướng dẫn ăn sô cô la, bánh ngọt để “chữa lành”, cô liền áp dụng. “Sau khi ăn sô cô la khoảng 20 phút, tâm trạng tôi phấn chấn hơn. Từ đó, tôi mua thêm bánh, nước ngọt để dự trữ. 2 ngày liên tục ăn bánh kẹo, tinh thần tôi khá lên nhiều” – H. nói.
Biết tác hại của đồ ngọt, những ngày đầu H. cũng tập chạy bộ, bơi lội để tiêu hao năng lượng. Nhưng sau đó, cô dần dần ăn bánh thay bữa chính, ăn sô cô la liên tục, chỉ có là mỗi khi gần đến ngày “đèn đỏ”. Có lúc, H. quyết tâm “cai” đồ ngọt. Tuy nhiên, mỗi khi cố gắng cai, cô lại bị đau đầu, mệt mỏi và cáu gắt. Khi đến bệnh viện khám, H. được chẩn đoán béo phì độ 2, rối loạn nội tiết, rối loạn lo âu phải sử dụng thuốc điều trị.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Trần Ngọc Mai (Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM) cho biết, khi một người ăn đồ ngọt, hay các thức ăn có nhiều đường sẽ giúp tăng nồng độ serotonin trong não (hoóc môn tạo cảm giác tốt), làm cho người ăn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, đỡ căng thẳng hơn. Dần dần, chúng ta tạo ra thói quen tiêu thụ đồ ngọt và rất khó từ bỏ. Trung bình có đến 90% người khi có trạng thái không tốt đã chọn ăn đồ ngọt để cải thiện tâm trạng.
Hiểm họa từ việc lạm dụng đồ ngọt
Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai cho biết: “Ngoài hoóc môn serotonin, có rất nhiều hoóc môn giúp chúng ta cảm thấy thoải mái qua các hoạt động như tập luyện thể thao, đi chơi, làm việc mình mong muốn… Tuy nhiên, việc ăn uống dễ thực hiện, cũng như một cách chiều chuộng bản thân, nên nhiều người ưu tiên ăn đồ ngọt hơn khi buồn bã, mệt mỏi, stress”. Học sinh, người trẻ hay dùng nước ngọt có gas, trà sữa… thay nước, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo khuyến cáo, trong số năng lượng nạp mỗi ngày, chỉ nên có khoảng 5 – 10% từ đường. Nhưng hiện nay, đường rất dễ bị lạm dụng trong đồ ăn, thức uống. Cần hiểu rằng, đường chỉ cung cấp năng lượng, không có dinh dưỡng cần thiết như: vitamin, đạm, khoáng chất… Nếu ăn quá nhiều đường thì trở thành các chất gây hại, làm tích tụ mỡ.
Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai phân tích: “Lúc này, nếu người ăn không kiểm soát được lượng đường dung nạp sẽ tăng nguy cơ đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, gây bệnh lý xơ vữa động mạch, thừa cân béo phì. Đó là chưa kể đến các biến chứng như: ngưng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ, hay bệnh lý xương khớp. Có bệnh nhân trẻ đến khám đã thừa nhận 1 ngày uống đến 2, 3 chai nước ngọt. Bệnh nhân không chỉ bị béo phì, đái tháo đường mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khi đã thụ tinh nhân tạo nhiều lần mà không có kết quả”.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 – cho biết thêm, ăn ngọt khiến não bộ có cảm xúc hưng phấn, giúp xoa dịu tâm trạng hiệu quả. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều đường gây ra các bệnh liên quan đến suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu, trầm cảm và nghiện. Từ đó gây ra bệnh tật. “Lạm dụng đồ ngọt không phải phương pháp lâu dài để điều trị stress, giải tỏa căng thẳng” – ông nói.
Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt còn dẫn đến nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng đối với những người đã có sẵn bệnh nền, đặc biệt là bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc béo phì. Với người bệnh tiểu đường, lượng đường huyết tăng cao đột ngột sau khi ăn đồ ngọt có thể dẫn đến biến chứng cấp tính như hôn mê tăng đường huyết, hoặc lâu dài làm tổn thương thận, mắt và thần kinh. Ở bệnh nhân tim mạch, đường dư thừa dễ chuyển hóa thành mỡ, làm tăng mỡ máu và nguy cơ xơ vữa động mạch.
Vì vậy, nếu quá thèm đồ ngọt, người dùng nên chọn một số loại bánh ít đường, ăn chậm và cảm nhận vị ngọt, cân nhắc ngừng lại. Bên cạnh đó, nên ăn bánh ngọt sau bữa ăn chính để tận dụng protein, chất xơ trong bữa ăn chính, hoặc ăn đồ ngọt cùng các loại trái cây, đồ ăn kèm giàu xơ, chất béo để làm chậm tốc độ hấp thu đường. Trường hợp cơn thèm ăn vẫn tiếp diễn, người bệnh có thể đến cơ sở y tế để được tư vấn nhằm kiểm soát sự dung nạp đường.
Làm sao để có thể bỏ đường? Bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai cho biết, quan điểm sử dụng đường tự nhiên sẽ không bị bệnh là rất sai. Bởi bản chất việc tiêu thụ đường quá nhiều làm dư thừa năng lượng. Cho dù đường nhân tạo hay tự nhiên vẫn tăng đường máu, gây thừa cân, béo phì. Chỉ có là khi nhiều người bận quá hay dùng bánh ngọt, nước ngọt để thay bữa ăn chính càng khiến cơ thể như bị “đầu độc”. Chính vì vậy, cần có những hoạt động khác để tạo thêm nhiều loại “hoóc môn hạnh phúc” như: tập thể dục, đi chơi, họp mặt người thân, bạn bè, chơi với thú cưng… giúp người bệnh ít lạm dụng đường hơn. |
Nguồn: Báo Phụ nữ