Thuốc điều trị hẹp động mạch cảnh
SKĐS – Hẹp động mạch cảnh có thể dẫn đến đột quỵ và gây ra các bệnh thiếu máu não khác. Những người có tiền sử cao huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá dễ bị hẹp động mạch cảnh.
1. Hẹp động mạch cảnh là gì?
Động mạch cảnh là một mạch máu lớn đưa máu từ tim đến đầu, mặt, cổ. Đây là một trong những mạch máu chính của não. Hẹp động mạch cảnh là tình trạng hẹp bên trong động mạch do tích tụ mảng bám, là các chất béo lắng đọng làm giảm lưu lượng máu đến não. Khi mảng bám tích tụ nhiều hơn, có thể vỡ ra, chặn dòng máu, gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Hơn 60% trường hợp nhồi máu não là do hẹp động mạch cảnh. Nhồi máu não nặng dẫn đến tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, hẹp động mạch cảnh đã trở thành một trong những “kẻ sát nhân số một” gây nguy hiểm cho sức khỏe ngày nay.
Thông thường, động mạch cảnh bị hẹp dưới 50% được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống. Những thay đổi lối sống có thể có lợi cho động mạch bao gồm:
- Bỏ thuốc lá
- Ăn chế độ ăn ít chất béo, ít cholesterol
- Kiểm soát lượng đường bằng chế độ ăn ít đường
- Tập thể dục để duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Hạ huyết áp để giảm hao mòn động mạch
Điều trị bằng thuốc có thể ổn định mảng xơ cứng động mạch, giảm thiểu huyết khối, làm chậm sự tiến triển của xơ cứng động mạch, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu não. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc về cơ bản không thể loại bỏ mảng bám hoặc khôi phục lưu lượng máu đến mô não.
Hẹp động mạch cảnh là tình trạng hẹp bên trong động mạch do tích tụ mảng bám, là các chất béo lắng đọng làm giảm lưu lượng máu đến não.
Nếu động mạch bị hẹp từ 50% đến 70%, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc từng trường hợp. Các phương pháp điều trị phẫu thuật chủ yếu bao gồm phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh (CEA) và đặt stent động mạch cảnh (CAS) .
2. Thuốc điều trị hẹp động mạch cảnh là gì?
2.1 Thuốc kháng tiểu cầu điều trị hẹp động mạch cảnh
Thuốc chống tập kết tiểu cầu vẫn là nền tảng của việc phòng ngừa đột quỵ ở những bệnh nhân bị xơ vữa động mạch não, hẹp động mạch cảnh. Đối với những bệnh nhân không có chống chỉ định, nên dùng thuốc kháng tiểu cầu bất kể có phẫu thuật hay không. Các loại thuốc chính bao gồm aspirin, clopidogrel, cilostazol và ticlopidine.
Cân nhắc liệu pháp kháng tiểu cầu kép đối với chứng hẹp động mạch cảnh có triệu chứng. So với aspirin đơn thuần, aspirin kết hợp với clopidogrel có hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa kết tập tiểu cầu nhưng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chống tập kết tiểu cầu là nhức đầu, buồn nôn, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa và gia tăng nguy cơ xuất huyết (chảy máu cam, chảy máu răng, xuất huyết đường tiêu hóa…).
2.2 Thuốc hạ cholesterol
Statin là một nhóm thuốc hạ cholesterol, phổ biến là simvastatin và atorvastatin… Statin có thể làm giảm lượng lipid trong máu, phục hồi chức năng nội mô và ổn định mảng bám. Nên dùng statin cho những bệnh nhân không có chống chỉ định. Những bệnh nhân không có rối loạn chuyển hóa lipid cũng có thể được hưởng lợi từ statin và nên được dùng thường xuyên.
Nếu hẹp động mạch cảnh không nghiêm trọng hoặc nếu bệnh nhân không có triệu chứng và hẹp động mạch cảnh được phát hiện tình cờ qua thăm khám thì điều trị bằng thuốc statin thường được ưu tiên.
Các tác dụng phụ của thuốc bao gồm: Tiêu chảy, táo bón, nôn, buồn nôn, co thắt dạ dày, đau cơ, yếu cơ, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, mệt mỏi, ban đỏ trên da…
Điều trị bằng thuốc có thể ổn định mảng xơ cứng động mạch.
2.3 Thuốc hạ huyết áp
Bệnh nhân đã từng bị đột quỵ hoặc thiếu máu thoáng qua do hẹp động mạch cảnh nên được bắt đầu hoặc tiếp tục điều trị hạ huyết áp khi huyết áp vượt quá 140/90.
3. Những điều cần lưu ý khi điều trị hẹp động mạch cảnh
– Bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh nên duy trì chế độ ăn uống nhẹ nhàng trong sinh hoạt hàng ngày, ăn nhiều ngũ cốc, rau củ và các thực phẩm khác, tránh đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ, để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng cường thể lực.
– Nếu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, cần chú ý kiên trì kiểm soát thuốc, tránh tự ý dừng thuốc, có thể làm nặng thêm tình trạng thể chất, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục của bệnh nhân.
– Nếu bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật, sau phẫu thuật, nên chú ý hơn đến việc nghỉ ngơi tại giường để thúc đẩy quá trình phục hồi thể chất. Đồng thời, cần chú ý hơn đến các triệu chứng về thần kinh và thể chất, tránh để lại di chứng. Ngoài ra, cần theo dõi các vấn đề như nhiễm trùng vết thương để tránh các biến chứng khác.
https://suckhoedoisong.vn/thuoc-dieu-tri-hep-dong-mach-canh-169241017115839179.htm