Bộ Y tế phát động Chương trình Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh và hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng 19/10/2015
Sáng ngày 17/10, tại Hà Nội đã diễn ra buổi lễ phát động Chương trình Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh và hưởng ứng Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2015.
Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” và Hưởng ứng “Ngày thế giới rửa tay với xà phòng” năm 2015 được tổ chức bởi Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam và sự hưởng ứng của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội đồng đội Trung ương, Sở Y tế Hà Nội.
Tham dự và chủ trì buổi phát động là GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế. Hơn 3600 đại biểu mời tham dự chương trình gồm có: Đại biểu Văn phòng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Y tế; các Vụ, Cục, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải,… cùng đại diện các Ban, ngành, đoàn thể chính trị – xã hội Trung ương và thành phố Hà Nội.
Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” nhằm huy động các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, cũng như kêu gọi sự tích cực chủ động tham gia của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp với nhiều bệnh dịch mới nổi và các dịch bệnh bùng phát trở lại trong những năm gần đây như sốt xuất huyết, tay chân miệng,…
Phát biểu tại Chương trình, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp, có sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, chúng ta đã đạt những thành công trong phòng chống dịch bệnh, ngăn chặn không để các bệnh đặc biệt nguy hiểm xâm nhập vào nước ta như Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9). Các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét, dại … đều giảm mạnh, thậm chí trong nhiều năm không có trường hợp mắc như bệnh tả, dịch hạch; tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh.
Tuy nhiên trước sự gia tăng của các dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới, sự biến đổi của các tác nhân gây bệnh, việc đô thị hóa mạnh mẽ, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi thời tiết và khí hậu cực đoan, gia tăng giao thương đi lại; nhận thức về tiêm chủng phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm của người dân chưa cao; bên cạnh đó chính quyền tại một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, sự phối hợp giữa các ban, ngành đoàn thể vẫn thiếu chặt chẽ, ngân sách nhà nước dành cho công tác phòng chống dịch bệnh chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu dựa vào Chương trình mục tiêu quốc gia mặc dù Quốc hội đã có nghị quyết tốt8/2018/QH12 dành ít chỉ có 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng. Vì vậy công tác y tế dự phòng, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội và toàn thể người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam -đại diện cho các tổ chức chính trị xã hội: Hội LHPN Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cam kết: 1) Chủ động tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; 2) Duy trì và đẩy mạnh truyền thông về phòng chống dịch, bệnh và khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động hội viên của mình cũng như toàn thể người dân tự giác tham gia phòng chống dịch bệnh; 3) Lồng ghép nội dung phòng chống dịch bệnh vào hoạt động của các cấp Hội, Đoàn; 4) Sáng kiến và áp dụng các mô hình nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, đảm bảo an ninh sức khỏe; 5) Mỗi cán bộ Hội, cán bộ Đoàn sẽ là những tuyên truyền viên, cộng tác viên trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
Tại buổi phát động, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội thay mặt cho các đơn vị y tế địa phương có bài phát biểu hưởng ứng Chương trình “Cộng đồng chung tay phòng chống dịch bệnh” do Bô Y tế phát động và có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các tổ chức, đơn vị, đoàn thể và các đơn vị trên địa bàn triển khai Chương trình đạt kết quả cao, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh, Quỹ Unilever thực hiện Chương trình “Rửa tay với xà phòng vì một Việt Nam khỏe mạnh” giai đoạn 2011-2015 là hoạt động đầy ý nghĩa, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh với mục tiêu cải thiện sức khỏe, vệ sinh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hơn 20 triệu người dân Việt Nam. Đại diện nhãn hàng Lifebuoy – Công ty TNHH Unilever Việt Nam chia sẻ: “Sau chặng đường 8 năm hợp tác với Bộ y tế và tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, chúng tôi tin tưởng dự án sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng, chỉ có là trong việc thay đổi nhận thức của các em nhỏ để hướng gần hơn đến mục tiêu bảo vệ 25 triệu trẻ em thoát khỏi dịch bệnh đến năm 2020”.
Cuối buổi phát động Quỹ Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy tổ chức Các trò chơi giao lưu học sinh triển lãm hành trình ” Nối vòng tay lớn vì 1 VN khỏe mạnh”.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế
http://vncdc.gov.vn/vi/tai-lieu-truyen-thong